Kết nối cung - cầu nông sản, đặc sản
Kết nối cung - cầu
Hội nghị do Thành phố Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức, với sự tham gia của gần 400 đại biểu từ các cơ quan Trung ương, Lãnh đạo UBND; Thành ủy, HĐND, Lãnh đạo và đại diện các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội, Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo và đại diện các sở, ngành, Trung tâm Xúc tiến các tỉnh, thành phố, Các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch…
Sản phẩm đặc sản của Bắc Giang được giới thiệu tại Hội nghị.
Năm nay, Hội nghị không chỉ báo cáo, đánh giá kết quả hợp tác giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực thương mại, nông nghiệp năm 2018 và kế hoạch năm 2019, kết nối đưa các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm đặc sản, nông sản an toàn thực phẩm vào kênh phân phối của thành phố Hà Nội, mà còn là nơi để các bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc sản; đồng thời đưa giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Lợi thế của công nghệ 4.0 cũng đã được khai thác và ứng dụng trên Trang thông tin nông sản an toàn thành phố Hà Nội, do bà Nguyễn Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu. Trang thông tin không chỉ là nơi giới thiếu ản phẩm nông sản an toàn, mà còn là nơi cung cấp nhiều hướng dẫn hữu ích cho cả người tiêu dùng và người sản xuất, đồng thời kết nối cung - cầu giữa các bên với những tính năng hiện đại, hữu dụng, dễ sử dụng với một chiếc điện thoại thông minh.
Các chủ gian hàng cũng đi tham quan, ngắm sản phẩm và trao đổi cùng nhau tại khu vực giới thiệu sản phẩm.
Tại Hội nghị, nhiều biên bản cũng đã được ký kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hợp tác về khai thác tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố; doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối ( Hợp tác liên kết cung - cầu hàng hóa hai chiều giữa Hà Nội và các tỉnh; Hợp tác liên kết vùng sản xuất, bảo đảm nguồn cung cấp sản phẩm nông lâm thủy sản cho thành phố Hà Nội…).
Trong khuôn khổ hội nghị, song hành cùng các hoạt động giao thương, ký kết là hơn 100 gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm và kết nối, giao thương doanh nghiệp, cùng với 20 bàn kết nối: Giám đốc thu mua của các doanh nghiệp phân phối trong và ngoài nước (AOE, Lotte, BigC, Vinmart, Hapro, Aeon... các chuỗi cửa hàng thực phẩm, chợ đầu mối...) giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất của các địa phương.
Khép lại một năm thành công
Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biết, trong mười tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã phối hợp cùng từ 10 đến 20 tỉnh đẩy mạnh các chương trình hợp tác về quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản thực phẩm, kết nối, hội chợ, tuần lễ sản phẩm đặc sản hoặc nông sản các vùng, hội chợ hàng Việt Nam, hội chợ quà tặng…
Kết quả, thời gian qua đã hỗ trợ hơn 1.200 lượt doanh nghiệp của trên 50 tỉnh, thành phố tham gia quảng bá các nông sản thực phẩm, trái cây, đồ thủ công mỹ nghệ… của các địa phương tại chương trình hội chợ, triển lãm do thành phố Hà Nội tổ chức: Hội chợ đặc sản vùng miền, Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ, Hội chợ hàng Việt…; đồng thời hỗ trợ thông tin, tạo điều kiện cho khoảng 900 lượt doanh nghiệp Hà Nội tham gia trên 30 hội chợ, triển lãm do các địa phương tổ chức tại các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, Kiên Giang…
UBND TP Hà Nội cũng đánh giá các hoạt động liên kết, giao thương đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực giữa các sở, ngành, đơn vị của Hà Nội với các địa phương; hỗ trợ các địa phương các kinh nghiệm tổ chức kết nối, tiêu thụ nông sản, hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, chất lượng sản phẩm…. để đưa vào kênh phân phối hiện đại, hỗ trợ xuất khẩu thông qua các nhà phân phối nước ngoài tại Hà Nội và triển khai tuần hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối nước ngoài (hệ thống Aeon - Nhật Bản; Lotte - Hàn Quốc; Chợ đầu mối nông sản Rungis- Pháp...).
Ngoài ra, các hoạt động này còn góp phần ổn định chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân hằng tháng, năm; thúc đẩy tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa - doanh thu dịch vụ nhất là tổng mức bán lẻ trên thị trường…
Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của Hải Dương.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đích thân lãnh đạo các tỉnh, thành phố Hải Dương, Cà Mau, Vĩnh Long… cùng một số doanh nghiệp giới thiệu về thế mạnh của các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản của mình, và nghe một số đơn vị cung cấp chia sẻ kinh nghiệm để đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối, bán lẻ lớn và có uy tín.
Các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trao đổi với nhau tại khu vực giới thiệu sản phẩm.
Ngay tại Hội nghị này, tính đến khi Hội nghị khép lại, có gần 450 biên bản ký kết được trao tại hội trường và tại các bàn giao dịch. Dự kiến, tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh, thành phố về địa bàn thành phố trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đạt gần 27.500 tỷ đồng, tăng 7 % so với năm 2017. Đặc biệt, hàng hóa dự kiến ký kết cho cả năm 2019 khoảng gần 110.000 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 40% tổng mức bán lẻ trên địa bàn thành phố).
Các doanh nghiệp đăng ký vào các bàn tư vấn, ký kết.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã đánh giá cao cách thức tổ chức Hội nghị kết nối giao thương như thế này, trong cùng một sự kiện, một địa điểm, doanh nghiệp có thể cùng lúc tiến hành nhiều hoạt động với nhau, rất hiệu quả. Các nhà cung cấp và nhà sản xuất đã “tìm thấy nhau” và ký kết nhiều biên bản ghi nhớ.</p>
Nông nghiệp là một trong những mũi nhọn kinh tế hiện nay đang được quan tâm và cũng đang có những bước chuyển biến mới. Những “cây cầu nối” như Hội nghị nghị giao thương kết nối cung - cầu hàng hóa của HPA đã và đang góp phần rất lớn vào những bước chuyển biến mới này.