Khi đường cao tốc thành... đường làng
Vi phạm tràn lan
Báo cáo Chính phủ về tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, Ủy ban ATGT quốc gia tiếp tục cảnh báo hiện tượng người dân đi bộ tràn lên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình ở nhiều đoạn để bắt xe khách, dẫn đến tình trạng xe khách, xe ta-xi dừng đỗ, đón trả khách trái phép. Tình trạng vi phạm các quy tắc ATGT trên đường cao tốc với nhiều hình thức đã diễn ra từ lâu, mặc dù bị các lực lượng chức năng quyết liệt xử phạt, song do ý thức kém và để "tiện việc mình", một số người vẫn cố tình vi phạm.
Ðầu tháng 4 vừa qua, trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhiều lái xe giật mình khi phát hiện một phụ nữ phóng xe máy đi ngược chiều. Giải thích với cơ quan công an, người phụ nữ cho hay, do đi nhầm từ quốc lộ 38B vào đường cao tốc, không biết thoát ra bằng lối nào nên hốt hoảng quay xe đi ngược trở lại. Giám đốc Công ty TNHH một thành viên quản lý và khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng Ðỗ Văn Thuần cho biết, kiến thức về biển báo tại các nút giao thông của người dân còn hạn chế. Các trường hợp đi ngược chiều do ý thức kém, liều lĩnh, bất chấp nguy hiểm cho mình và người khác, dù đi trên đường cao tốc nhưng có tâm lý như đi trên đường làng mình.
Trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, chỉ từ đầu năm đến nay, hệ thống ca-mê-ra giám sát đã ghi nhận hàng chục ô-tô cố tình đi ngược chiều, dừng đỗ sai quy định, thậm chí đi lùi. Trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua tỉnh Long An, một số đối tượng trộm cắp đã táo tợn cắt nhiều đoạn rào chắn bảo vệ đường cao tốc đem bán phế liệu. Từ cầu vượt sông Vàm Cỏ Ðông (xã Thạnh Ðức, huyện Bến Lức) tới cầu vượt sông Vàm Cỏ Tây và xã Hướng Thọ Phú, huyện Tân An có gần 100 điểm bị tháo dỡ toàn bộ bu-lông khiến bộ khung hàng rào nghiêng ngả, đổ sụp. Ðường dẫn cầu vượt sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Ðông, nhiều đối tượng chiếm dụng đất trống làm điểm tập kết mua bán phế liệu, một số hộ dân xây chuồng trại nuôi gia cầm, thả rông trâu bò,…
Ðư
ờng cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng là "điểm nóng" về hiện tượng phá rào, mở hàng quán bán rong, đi bộ vượt rào vào đường cao tốc bắt xe khách,... Trong năm 2017 vừa qua, toàn tuyến có hàng trăm điểm không rào được hành lang do người dân tự ý cắt, phá rào chăn thả gia súc, hoặc mở lối đi bộ lên đường đón xe. Một số đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai, các tấm tôn hộ lan và hàng rào lưới thường xuyên bị người dân phá dỡ, đơn vị quản lý rào lại hôm trước, hôm sau đã bị phá. Ðại diện đơn vị quản lý khai thác tuyến Nội Bài - Lào Cai cho biết, việc bảo vệ tài sản đường cao tốc có cả trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, nhưng địa phương chưa thật sự vào cuộc quyết liệt. Ðơn vị quản lý không thể kiểm soát việc phá rào vì không đủ thẩm quyền xử phạt, thậm chí, khi ngăn chặn, một số nhân viên còn bị hành hung.Nâng cao ý thức người dân
Ðầu tháng 4 vừa qua, trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã xảy ra sự cố tai nạn liên hoàn làm nhiều người bị thương, các phương tiện hư hỏng nặng. Nguyên nhân do một số hộ dân canh tác ven đường cao tốc đốt rơm rạ, khói bốc lên mù mịt làm che khuất tầm nhìn của lái xe. Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) Nguyễn Thị Hoài Phương lý giải, trong hệ thống giao thông thông minh (ITS) của tuyến cao tốc này mới trang bị 16 ca-mê-ra giám sát, lắp đặt tại các vị trí nút giao, trạm thu phí và cầu Long Thành, cho nên nhiều vị trí trên tuyến không giám sát được tình hình thực tế để cảnh báo kịp thời. Khi khói bốc lên cao, nhân viên giám sát mới quan sát được, báo cho lực lượng tuần tra xử lý thì sự cố đã xảy ra.
VEC E kiến nghị các địa phương dọc tuyến phối hợp tuyên truyền cho người dân để tránh sự cố xảy ra, đồng thời phát quang cỏ dại hai bên hành lang để ngăn ngừa đám cháy lây lan, ảnh hưởng lưu thông trên tuyến. Khẩn trương xử lý các "điểm đen", điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc, đồng thời hoàn thiện hệ thống hạ tầng, biển báo hiệu, trạm cứu hộ, cứu nạn,... theo quy chuẩn đang là nhiệm vụ trọng tâm được các cơ quan chức năng triển khai. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó chỉ là phương án hỗ trợ chứ không thể loại trừ hoàn toàn sự cố, tai nạn, quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông.
Theo quy định, đường cao tốc là loại đường cho phép phương tiện chạy tốc độ cao, tối đa là 100 hoặc 120 km/giờ. Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ ATGT của các lái xe trên các tuyến cao tốc hiện đại cũng chưa tốt. Theo Tổng cục trưởng Ðường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, lượng phương tiện lưu thông trên đường cao tốc chiếm tỷ lệ cao, trong khi kinh nghiệm, công tác quản lý của cơ quan quản lý, khai thác và địa phương, kể cả người tham gia giao thông còn hạn chế.
Trên cơ sở đó, cần điều chỉnh các quy định pháp luật về quản lý, tăng cường thực hiện quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành nhằm kiểm soát những rủi ro trên đường cao tốc. Ðơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc cần rà soát lại các phương án cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy và tổ chức giao thông trên tuyến để điều chỉnh cho phù hợp. Các cấp chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân.